Lễ hội đền Gióng Ở Sóc Sơn

0
4925

Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) tưởng nhớ Thánh Gióng – một trong ‘Tứ bất tử’ trong tâm thức người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã khai hội ngày 27/1 với sự tham dự của hàng vạn người dân và khách thập phương.

Kiệu nữ tướng của thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú.

Lễ hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 3 ngày (27, 28, 29-1), với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.

Nghi lễ diễn ra long trọng

Từ 6 giờ 30 phút ngày mùng 5 Tết ( tức 27/1), phần lễ bắt đầu với nghi thức dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế, lễ rước và tế lễ của các thôn làng. Trong đó, lễ rước của các thôn làng được coi như phần “hồn” của lễ hội và được mong đợi nhất. Cụ thể: thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) thực hiện nghi thức rước hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa (tre); thôn Dược Thường (xã Tiên Dược) rước voi (tre); thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi; thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau…

Ghi nhận của phóng viên, trong sáng sớm khai hội, không khí tại hội Gióng vô cùng náo nhiệt, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Thời tiết lạnh, nhưng khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách du xuân, trẩy hội.

Sau các nghi lễ truyền thống, người dân nô nức vào lễ thánh, xin lộc đầu năm, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật… Đặc biệt, nghi thức kéo mỏ lần đầu tiên được tổ chức tại không gian di sản đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo nhân dân và du khách.

Những điều chưa biết về sự tích 8 lễ vật cung tiến

Lễ vật thứ nhất

Kiệu rước “giò hoa tre” của thôn Vệ Linh

Thu hút sự quan tâm lớn nhất của đông đảo người dân và du khách là lễ vật kiệu giò hoa tre. Hoa tre trong lễ hội đền Sóc là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Đó là sự kết tinh, hội tụ tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc trong phòng, chống thiên tai địch họa, cũng như các cuộc trường chinh đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Tục truyền, Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng cây gậy sắt dài hơn 10 trượng. Gậy sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre Đằng Ngà để đánh giặc. Khi đánh về tới huyện Sóc Sơn thì cây tre bị dập nát, bông lên nhuộm với màu của bụi đường nên trông giống như những bông hoa có màu vàng óng.

Để tưởng nhớ công ơn của Ngài vào mỗi dịp Xuân về, hội mở dân làng Vệ Linh (xã Phù Linh) lại làm ra những bông hoa bằng tre, lấy quả dành dành trên núi nhuộm vào phần tơ bông tạo nên hàng ngàn những bông hoa tre tuyệt đẹp để dâng lên đức Thánh Gióng, cầu mong ngài phù hộ, độ trì cho nhân dân được sức khỏe trường an, phúc lộc đề huề…

Lễ vật thứ hai

Thần mã (ngựa chiến) được dân làng Phù Mã (xã Phù Linh) cung tiến.

Lễ vật thứ 2 được cung tiến là thần mã(ngựa chiến). Tục truyền trước khi bay về trời, ông Gióng đã xuống ngựa dừng chân ở đồi Phù Mã, nghỉ ngơi thăm thú cảnh vật, hỏi han bà con, dậy bảo dân làng làm ăn, sinh sống. Trước khi bay về trời, Ngài đã để lại Yên Cương và Ngọc Duẩn (gậy tre). Vậy nên về sau làng mới có tên gọi Phù Mã như hiện nay.

Tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu truyền những dấu vết của ngựa thần năm xưa, nhân dân thôn Phù Mã (xã Phù Linh) kính dâng lễ phẩm ngựa sắt, kính mong đức Thánh Gióng phù hộ cho con cháu Phù Mã và toàn thể nhân dân Việt Nam được bay cao, bay xa hơn sánh vai với các cường quốc năm châu.

Lễ vật thứ ba

Voi chiến là lễ vật của người dân làng Dược Thượng

Sau khi giặc giã tan, thiên hạ thái bình, voi chiến được thả về rừng sâu. Nhưng do nhớ chủ, voi đã quay lại thôn làng, vô tình dẫm nát hoa màu của dân làng nên bị dân làng đánh đuổi, giết.

Khi biết là voi của Thánh đã góp công đánh đuổi ngoại xâm, hàng năm Xuân về mở hội dân làng Dược Thượng (xã Tiên Dược) xin được rước voi cung thỉnh sân rồng, mong Ngài đại xá, phù độ chúng sinh. Đây cũng là khởi tích của lễ vật thứ 3 – voi chiến, được cung tiến tại lễ hội đền Sóc hàng năm.

Lễ vật thứ tư

Kiệu rước trầu cau của thôn Đan Tảo

Lễ vật thứ 4 được cung tiến tại lễ hội là trầu cau. Tục truyền rằng rừng Đan, thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) là nơi Thiên Tướng đã nghỉ chân uống nước ăn trầu, dậy bảo dân sinh những điều hay lẽ phải, nhắc nhở cho con cháu biết yêu thương, hiếu thuận, giúp nhân dân biết cấy cày.

Nay, cháu con Đan Tảo mãi biết ơn người anh hùng làng Gióng, xin dâng lên Ngài cây trầu xanh tốt, để tỏ lòng nhớ ơn, tôn kính.

Lễ vật thứ năm

Người dân xã Đức Hòa cung tiến ngà voi tại lễ hội Gióng 2023.

Xã Đức Hòa là địa phương có may mắn được cung tiến lễ vật thứ 5 cho lễ hội đền Sóc hàng năm, đó là ngà voi. Tương truyền, voi chiến ở rừng nhớ chủ (Thiên tướng Thánh Gióng) nên đã quay về đi qua dẫm nát ruộng đồng. Nhân dân trong xã không biết đã bắt lại, bẻ gãy ngà.

Biết voi của Thánh về, nhân dân đã tạ lễ, hàng năm xin dâng ngà voi cầu mong Ngài đại xá, phù hộ độ trì cho nhân dân Đức Hòa nói riêng và con cháu người Việt khắp muôn phương mạnh khỏe, bình an, người người đều được thái bình, độc lập, nơi nơi được sống trong hòa bình phát triển.

Lễ vật thứ 6

Lễ vật thứ 6 được cung tiến tại lễ hội là cỏ voi. Tục truyền rằng vào thời Hùng Vương thứ VI, trong khi đuổi đánh giặc Ân, Thánh Gióng cùng quân sĩ dừng chân tại thôn Yên Sào (xã Xuân Giang). Nhân dân thôn Yên Sào đã cùng với tướng sĩ của đội quân Thánh Gióng cắt cỏ, chặt chuối cho voi ngựa của Ngài ăn.

Khi Thiên Tướng đánh tan giặc, bay về trời, nhân dân trong vùng lập đền thờ và mở hội đầu xuân, nhân dân Yên Sào đã cắt cỏ voi dâng lên Đức Thánh biểu hiện lòng tôn thờ đối với anh hùng dân tộc có công đuổi giặc cứu nước.

Lễ vật thứ bảy 

“Nữ tướng trẻ” 12 tuổi tại lễ rước kiệu tướng thôn Yên Tàng.

Một lễ vật khác thu hút sự quan tâm của đông đảo khách thập phương là kiệu tướng. Tục xưa còn truyền lại, ở vùng đất Yên Tàng (xã Bắc Phú), Thánh Gióng cùng với nhân dân đánh đuổi tàn quân của giặc, nhìn thấy Thiên Vương cưỡi ngựa sắt, phun lửa thần, nhổ từng bụi tre ven đường mà quân, tướng giặc Ân hồn siêu phách lạc.

Đến chân núi Sóc, trước khi về trời, Thánh Gióng đã tuốt gươm chém 3 tướng giặc cứng đầu đề phòng hậu họa cho con cháu. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân thôn Yên Tàng làm lễ rước tướng bái lạy, tạ ơn đức Thánh dẹp bỏ hận thù ngoại bang, mang lại thái bình thịnh vượng để muôn thế hệ con cháu được sống trong hòa bình, ấm no.

Lễ vật thứ tám

Cầu húc là một trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe, nâng cao nhuệ khí.

Lễ vật thứ 8 do xã Tân Minh cung tiến. Huyền thoại xưa kể rằng, vào thời Hùng Vương, có một cánh quân của Thánh Gióng do tướng Hữu Lâm chỉ huy, một buổi chiều giáp Tết hành quân qua Xuân Đán Trang. Vị chủ tướng thấy nơi đây có rừng già, phong cảnh đẹp bèn cho quân dừng chân nghỉ lại cùng nhân dân ăn cơm nắm, muối cà, dậy cho dân làng chơi trò cầu húc để rèn luyện sức khỏe, nâng cao nhuệ khí.

Cầu húc là trò chơi dân gian thể hiện trí tuệ, sự dẻo dai, đoàn kết và tinh thần thượng võ được thôn Xuân Dục rước về tạ ơn Thánh Gióng kính mong Ngài độ cho được “nhân khang vật thịnh, phong vũ thuận hòa”. Đây cũng là lễ vật cuối cùng được nhân dân các thôn làng cung tiến tại lễ hội Gióng tại đền Sóc hàng năm.