Lần đầu tiên sang Lào du lịch, du khách Việt rất bất ngờ trước cách người dân làm du lịch và không gặp hiện tượng “chặt chém”. Trong chuyến đi 6 ngày, anh tiêu tốn khoảng 5,5 triệu đồng.
Trong khi nhiều bạn trẻ thích chọn Thái Lan, Singapore hay Malaysia để du lịch, thì Chu Đức Giang lại muốn tới Lào.
Dù quốc gia này không phát triển thế mạnh du lịch nhưng Giang vẫn muốn sang để trải nghiệm đất nước láng giềng ngay sát Việt Nam, xem cách họ làm du lịch ra sao.
Và chuyến đi này cũng là dịp để anh trải nghiệm ngồi tàu cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á.
Xuất phát từ bến xe Nước Ngầm ở Hà Nội, Giang mua vé xe khách mất 1,2 triệu đồng, di chuyển tới Luang Prabang mất 24 tiếng. Từ đây, chuyến “du hí” Lào 6 ngày 5 đêm của anh bắt đầu.
Khi đặt chân tới Luang Prabang, Giang lần đầu trải nghiệm ngồi trên tàu cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á. Đây là tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung Quốc, dài 1.035km, nối từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với thủ đô Vientiane (Lào).
Tàu có tốc độ tối đa 160km/h, đưa du khách và doanh nhân Trung Quốc sang Lào chưa tới một ngày và ngược lại. Tuyến này cũng là điểm đầu tiên trong “kế hoạch đầy tham vọng” của Bắc Kinh về mạng lưới đường sắt nối miền nam Trung Quốc với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và cuối cùng là Singapore.
Giang chọn đi 2 chặng nội địa bằng tàu cao tốc gồm Luang Prabang – Vang Vieng dài 190 km, giá vé khoảng 160.000 đồng và Vang Vieng – Vientiane dài 130 km giá 170.000 đồng. Thời gian di chuyển mỗi chặng rút ngắn còn khoảng một tiếng.
Khách nước ngoài khi lên tàu chỉ cần chuẩn bị hộ chiếu và vé tàu (có thể bằng vé giấy hoặc vé online). Tàu đi tốc độ 160km/h nhưng “rất êm và cách âm tốt”.
“Đi tàu cao tốc như ngồi máy bay, cũng có khu soát vé, soi chiếu và bảng thông tin giờ chạy rất chuyên nghiệp. Mình chọn vé hạng thường để tiết kiệm chi phí, nhưng khoang hành khách rất sạch sẽ. Nội thất bên trong còn mới, ghế ngồi có bàn ăn thiết kế như máy bay”, Giang mô tả.
Và điểm ấn tượng tiếp theo với anh đó là vấn đề giao thông. Giang cho biết, đa phần người dân tham gia giao thông đều không bấm còi.
Càng tiếp xúc, anh càng nhận thấy người dân địa phương rất thân thiện, hiếu khách. Ở Lào có nghi lễ khất thực Tak Bat vào sáng sớm mỗi ngày. Đây là truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào. Còn ngày nay, đây lại là một trong những điểm hút khách du lịch.
Nghi lễ bắt đầu bằng việc các nhà sư khởi hành từ ngôi đền trong thành phố. Đi chân trần và nhận đồ ăn trong ngày từ người dân. Hoạt động diễn ra hàng ngày khi mặt trời mọc. Các nhà sư di chuyển từ những tuyến phố chính đến phố nhỏ.
Về lịch trình tham quan, anh dành 2 ngày ở cố đô Luang Prabang. Nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995. Ghé thăm thác Kuang Si, Cung điện Hoàng Gia, đến chùa Wat Xieng Thong. Leo núi Phousi và dự lễ khất thực.
Còn tại Vang Vieng. Giang cho rằng đây là nơi phù hợp với những người thích trải nghiệm với thiên nhiên. Anh leo núi Nam Xay và đến thăm hồ nước Blue Lagoon.
Giang dành những ngày cuối ở lại thủ đô Vientiane. Tại đây, anh đến Khải Hoàn Môn Patuxay, chùa vàng Pha That Luang và khu vườn tượng Phật.
Trong suốt chuyến đi 6 ngày, anh cho biết chưa gặp phải nạn “chặt chém” dù mình là người nước ngoài.
“Giá cả luôn được các nhà hàng, cửa tiệm niêm yết sẵn. Còn chi phí dịch vụ ở Lào cũng ngang với Việt Nam”, Giang nói.
Ẩm thực Lào có nhiều món với hương vị gần giống với món ăn Thái Lan, nên du khách Việt dễ ăn. Lần này, anh đi 2 người. Chuyến đi tốn khoảng 5,5 triệu đồng/người. Anh cho rằng, nếu đi đông sẽ rẻ hơn nữa.
Trong đó, chi phí di chuyển Hà Nội – Lào, đi lại giữa các thành phố Lào tốn 2,7 triệu đồng. Tiền khách sạn 1 triệu đồng; tiền ăn uống 1,3 triệu đồng và vé tham quan. Chi tiêu phát sinh thêm khoảng 500 nghìn đồng.
Giang dự kiến sẽ quay lại đây vào thời gian không xa bởi “vẫn còn nhiều nơi. Nhiều thứ chưa trải nghiệm hết”.