Nghi lễ chính thức thành thánh đồ ” Hội thánh đức chúa trời mẹ”

0
4970

BÀI 3: NGHI LỄ CHÍNH THỨC

Hứng 10 gáo nước giội xuống đầu, cùng lắng nghe những lời cầu nguyện của Chấp sự trong sào huyệt… PV VTC News thành Thánh đồ “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.

TRƯỚC NGÀY CHỊU PHÉP BAPTEM

Kết thúc bài học online thứ 10 về nội dung được chép trong Kinh Thánh của Hội Thánh này. Tôi chuẩn bị sẵn cho mình một “tâm hồn đẹp” tham dự phép Baptem vào một ngày đầu tháng Năm, mà theo như lời họ nói, để được biên tên mình vào cái gọi là sách Sự sống trên nước Thiên Đàng.

Một buổi tối trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Tôi nhận được tin nhắn của Thơm (người chăm sóc tôi những ngày học Kinh Thánh) cho biết vào ngày thứ Năm (4/5) sẽ diễn ra Lễ Vượt qua.

Để được tham dự Lễ Vượt qua mỗi năm chỉ có một lần này thì cần phải chịu phép Baptem trước nên tôi chỉ còn ngày thứ Tư để thực hiện việc đó. Bởi, trong ngày Lễ Vượt qua sẽ không làm phép Baptem..

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

“Em thật sự mong chị cùng chúng em giữ Lễ Vượt qua. Được nhận ấn của Đức Chúa Trời bảo vệ sự sống”, Thơm nhắn.

Các tin nhắn đều được trao đổi qua Telegram là ứng dụng được tổ chức này dùng để giao lưu, trao đổi, thông tin với nhau. Để được tham dự Lễ Vượt qua mỗi năm chỉ có một lần này thì cần phải chịu phép Baptem trước nên tôi chỉ còn ngày thứ Tư để thực hiện việc đó. Bởi, trong ngày Lễ Vượt qua sẽ không làm phép Baptem.

Tối 3/5, Thơm đón tôi dưới sảnh chung cư. Sáng sớm hôm sau, hai chị em lại di chuyển sang một khu khác để học luật pháp của Đức Chúa Trời, bài học tôi còn “nợ”.

Cánh cửa tầng 7 một khu chung cư ở Hà Đông vừa mở, một phụ nữ trạc ngoài 20 tuổi hồ hởi chào hỏi chúng tôi. Bài học về luật pháp Đức Chúa Trời theo như chị Thơm nói, thực chất là khuyên răn tôi kiêng ăn đồ huyết (cả sống và chết), của cúng thần tượng, thú vật chết ngộp (ngạt).

“Chúng ta được ăn gì và không ăn gì là Đức Chúa Trời xem chúng ta có vâng phục Ngài hay không. Đồ thờ cúng ở chùa toàn được cho đi, người ở chùa không ăn bao giờ”, Thơm nói.

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

Chị Thơm cũng lấy ví dụ để chỉ cho tôi thấy việc không nên thắp hương. Chị ta nhấn mạnh, thắp hương là theo truyền thống. Trước đây, người dân nước ta cũng theo truyền thống mà đi xe ngựa, mặc khố, vậy tại sao bây giờ không giữ truyền thống đó. Vì thế, việc thắp hương cũng nên bỏ.

Tôi gật gù rồi bỏ ngoài tai những lời của Thơm mà theo chị ấy nói, đó là lời răn của Đức Chúa Trời. Bởi, thực chất những lý lẽ đó hoàn toàn không thuyết phục, cũng chẳng đúng với thực tế.

“Xong rồi, chuẩn bị đi làm lễ Baptem nào”, Thơm hồ hởi gấp máy tính lại rồi chuẩn bị đồ đạc đưa tôi đi sang khu chung cư khác.

Trước khi đi, chúng tôi được cô gái ra mở cửa và tặng hộp xôi rồi không quên dặn ăn hết vì đây là đồ ăn Cha Mẹ ban tặng và ăn sẽ được nhận phước của Cha Mẹ.

NHỮNG BÍ ẨN BÊN TRONG SION

Căn phòng rộng lớn ở tầng 23 một khu chung cư tại Hà Đông mở ra. 3 người phụ nữ ăn mặc lịch sự đi ra, cúi người rồi bắt tay chúng tôi. Tất cả đều nói câu: “Xin chào – Chúc phước nhiều”. Lúc này ở ngay cửa ra vào, một bác lớn tuổi đang được người đàn ông trung niên sấy tóc. Tôi được một “Thánh đồ” rỉ tai: “Bác ấy vừa làm phép Baptem xong”.

Sau khi biết tôi là người được làm phép Baptem hôm nay, một phụ nữ mỉm cười, giọng nhẹ nhàng chúc mừng nhưng cũng không quên bảo: “Không tham dự được Lễ Vượt qua ngày mai thì phải một năm sau mới lại có và không biết còn cơ hội không”.

Trong lúc chờ đợi để được “khai sinh về phần linh hồn”, chị Thơm dẫn tôi đi tham quan căn chung cư mà theo ngôn ngữ của Hội Thánh thì đây chính là Sion. Trên bức tường đối diện nơi tôi đứng là hình bầu trời xanh ngắt, điểm thêm vài đám mây. Gần đấy, một người đàn ông đang chăm chú nhìn vào màn hình máy tính.

Thấy tôi say sưa nhìn ngắm phong cảnh từ tầng 23, chị Thơm nói, Sion được chọn đặt ở tầng trên cao để gần Đức Chúa Trời hơn, các anh chị em sinh hoạt cũng tiện.

Theo bật mí của Thơm, trước năm 2018, mỗi Sion đều rất đông người tới sinh hoạt, thờ phượng. Tuy nhiên, sau đó, mỗi điểm nhóm chỉ sinh hoạt 10 – 20 người và thờ phượng tại nhà của các anh chị em.

Dấu mốc năm 2018 chính là thời điểm báo chí đăng tải hàng loạt bài viết bóc mẽ những mánh khóe, chiêu trò của tổ chức này. Lực lượng chức năng sau đó cũng vào cuộc, nhiều tụ điểm bị lật tẩy và giải tán, “Thánh đồ” cũng rời đi không ít.

Thơm cũng không quên chia sẻ cho tôi về cách gọi khi bước chân vào Sion, mọi người đều gọi nhau là chị em hoặc anh em dù người đối diện mình là vợ chồng, con cái hay người đã 80 – 90 tuổi vì không phân biệt địa vị, vai vế hay lứa tuổi, mối quan hệ. Cách gọi này theo lý giải của họ, vì tôi và họ cùng là con cái của Đức Chúa Trời.

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

Khi ra ngoài, để tránh sự soi mói của mọi người thì vẫn phân biệt lứa tuổi, địa vị, mối quan hệ mà xưng hô như bác – cháu, mẹ – con… nếu không “người lạ lại bảo mình mất lịch sự”.

“Trước đây em và bạn thân thường gọi nhau là mày – tao nên khi cùng trở thành “Thánh đồ”, để gọi nhau là chị em cũng phải mất một thời gian. Việc không có thói quen ngôn ngữ, nhưng vì Cha Mẹ ban cho cần thay đổi sẽ thay đổi được”, chị Thơm chia sẻ.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, nhóm người đã được làm phép Baptem xong bước tới khu vực có hình bầu trời để chụp ảnh. Một “Thánh đồ” nói với tôi rằng, đây là “ca sinh 4” vì cả 4 người cùng Baptem trong một ngày.

Thấy tôi chưa hiểu, “Thánh đồ” này giải thích thêm, khi được làm phép Baptem xong thì hôm nay là ngày tôi được sinh ra, là ngày sinh thực sự về mặt linh hồn.

Nhóm người chụp hình xong và từng người trao cho nhau cái bắt tay cùng câu nói “Chúc phước nhiều, tôi được mời vào một căn phòng, phép Baptem bắt đầu.

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

10 GÁO “NƯỚC THÁNH” VÀ ĐIỆP KHÚC CHÚC PHƯỚC NHIỀU

Một người đàn ông với gương mặt thân quen, từng xuất hiện nhiều lần trên sóng truyền hình ngồi đối diện tôi, phía trước là tờ giấy để ghi thông tin cá nhân người được làm phép Baptem.

Cũng giống như phong cách ăn mặc của những người khác trong tổ chức, người này mặc vest, nụ cười luôn thường trực trên môi. Theo tiết lộ, người đàn ông này là Chấp sự, một chức vụ khá cao trong Hội Thánh. “Mỗi người chỉ được một lần làm phép Baptem”, người này cười và bảo.

Sau đó, các thông tin cá nhân của tôi như: họ tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, thời gian học Kinh Thánh, tôn giáo đang theo… cũng được người đàn ông ghi chép lại cẩn thận. Thậm chí, thông tin người dẫn dắt cũng được yêu cầu khai báo.

Xong xuôi, tôi được đưa cho bộ đồ màu xanh đã chuẩn bị để thay trước khi làm nghi thức giội nước.

Bên trong nhà vệ sinh của căn phòng này, một xô nước ấm được đặt sẵn chờ tôi. Tôi được người đàn ông yêu cầu quỳ trên sàn rồi dùng ngón tay thử độ ấm của nước. Tất cả công đoạn hoàn tất, nghi thức giội nước bắt đầu. Bên ngoài, người của tổ chức trùm khăn trắng, đứng cầu nguyện.

Điệp khúc “Chúc phước nhiều” một lần nữa vang lên. Khi xác nhận tôi đồng ý tham gia phép Baptem, người đàn ông này dặn dò: “Khi tôi cầu nguyện chị đáp Amen. Xin mời chị chắp tay, nhắm mắt lại”.

Nói rồi, người này dùng chất giọng sang sảng để cầu nguyện, bắt đầu nghi thức giội nước cho tôi:

“Đức Cha là Gie-Ho-Va Đức Chúa Trời, Đức Con là Giesu Christ, Đức Thánh Linh là An Xang Hồng Đức Chúa Trời, nhân danh quyền năng của 3 vị thánh nhất thể là Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, con xin làm phép Baptem cho con gái này.

Vậy cầu xin Cha làm tan mọi tội lỗi suốt đời của con gái này và làm cho linh hồn của con gái này được phục sinh trong sự sống mới như Đức Chúa Giêsu đã phục sinh trong ngày thứ ba.

Mọi lời cầu nguyện đều nhân danh đấng Christ An Xang Hồng Chí Thánh mà cầu khẩn”.

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

Một gáo nước được trực tiếp giội xuống đầu của tôi. Người đàn ông này lại dõng dạc đọc lớn những lời cầu nguyện. Lời đọc vừa dứt, khoảng 10 gáo nước lần lượt được giội xuống đầu tôi.

Lời cầu nguyện một lần nữa lại vang lên: “Lạy Đức Chúa trời Cha Chí thánh và thiêng liêng bởi nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, con đã làm phép Baptem cho con gái này rồi.

Vậy từ bây giờ, cầu xin Cha làm cho tên của con gái này được biên vào sách Sự sống trên trời và làm cho tên ấy được chói lói rực rỡ đời đời.

Cầu cho Cha ban cho con gái này đầy rẫy năng lực thánh linh để đảm nhiệm được sứ mạng của Đấng tiên tri…”.

Tôi từ từ mở mắt trong tiếng “Chúc phước nhiều” và tiếng vỗ tay của mọi người. Cũng giống như những người khác, tôi ra ngoài thay lại bộ quần áo mình mặc trước đó, sấy tóc và tiếp tục bước trở lại căn phòng.

TRỞ THÀNH CON GÁI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Tôi được đưa cho chiếc khăn trắng trùm đầu, ngồi nhắm mắt lại trên ghế. Người đàn ông ăn mặc lịch sự lúc nãy tiến tới, đặt tay lên đầu tôi rồi lại dõng dạc đọc lớn lời cầu nguyện với ngụ ý, đã làm phép Baptem cho con gái này rồi, vậy từ bây giờ cầu xin Cha lấy con gái này làm con cái…

Lời cầu nguyện kết thúc, trước mắt tôi là chiếc bánh nhỏ và cốc rượu nho màu đỏ.

Nhìn cốc rượu nho để trên bàn, trong lòng có đôi chút nghi hoặc nhưng tôi nhớ tới lời của các “Thánh đồ” đã ra khỏi tổ chức này từng chia sẻ, cốc rượu nho đó hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì mà vấn đề nằm ở những lời “thao túng tâm lý” của các thành viên trong Hội Thánh.

Nghi lễ chính thức thành thánh đồ " Hội thánh đức chúa trời mẹ"

Lúc này, tôi trấn tĩnh lại và tiếp tục nghe lời cầu nguyện của người đàn ông lúc nãy để “xin Đức Chúa Trời ban phước”.

Người này dõng dạc nói những lời bí hiểm: “… Bây giờ, cầu xin Cha làm cho bánh và rượu nho này trở thành thịt và huyết của đấng Christ theo như lời hứa của Ngài và chúng con là những người tin vào lời hứa đó nên ăn bánh và uống rượu nho này. Vậy cầu xin Cha làm cho chúng con đồng một thân thể với Đức Chúa Trời là Đấng sống để chúng con cũng được sự sống đời đời, cũng ban cho đức tin để chúng con thắng được cho tới cuối cùng…”.

Sau đó, người đàn ông tự tay chia bánh và rượu nho làm đôi để bản thân và tôi cùng tin và ăn, uống hết.

“Đến đây xin chúc mừng chị đã trở thành con gái của Đức Chúa Trời”. Rượu nho vừa uống xong, người này cười và nói, đồng thời không quên dặn dò tôi hãy thực hiện theo những sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, tham dự lễ thờ phượng vào tối thứ Ba và ngày Sabat thứ Bảy cũng như tham dự Lễ Vượt qua vào ngày hôm sau.

Trước khi rời Sion ra về, tôi được chị Thơm dự định dẫn vào một căn phòng để cảm tạ Cha Mẹ. Nhưng như chợt nhớ ra tôi không mang tất nên Thơm bảo tôi ngồi xuống ghế, trùm khăn lại rồi cầu nguyện, chào Cha Mẹ, xin Cha Mẹ ban phước để đi đường bình an.

Chiếc khăn trắng đội đầu được chị Thơm bảo tôi phải giữ cẩn thận và tốt nhất nên luôn mang theo bên mình, nhưng không nên để người khác nhìn thấy.

Trong những cái bắt tay cùng lời “Chúc phước nhiều”. Chúng tôi rời Sion để sẵn sàng cho buổi Lễ Vượt qua vào ngày 4/5.

Kỳ tới: Thâm cung bí sử trong Lễ Vượt qua

Chúng tôi đến Sion là để gặp anh chị em, dâng thờ phượng, lễ vật là những chiếc phong bì bên trong có tiền, nhưng ý nghĩa sâu sắc như được truyền dạy là đến chốn linh thiêng này là để gặp Đức Chúa Trời.