Hiện tượng “Sư thầy Thích Minh Tuệ” và những sự ồn ào hiếm thấy

0
4419

Thầy Thích Minh Tuệ chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà nhưng đã bị thổi lên thành “hiện tượng mạng,” đồng thời các thế lực thù địch cũng lợi dụng để rêu rao các luận điệu chia rẽ các tôn giáo.

Thầy Thích MInh Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người

Từ một người vô danh tự nhận đang “tập học” theo lời Phật dạy và đầu trần, chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, Thích Minh Tuệ được các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng.”

Thầy Thích Minh Tuệ nói từng đi tu, nhưng chưa có duyên ở chùa và cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi “đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó”.

Thầy chia sẻ “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình”.

Hiện tượng “Sư thầy Thích Minh Tuệ”: Người nổi tiếng bất đắc Dĩ

Đám đông vây quanh “Sư Minh Tuệ.”

Thích Minh Tuệ được người dân gọi là “thầy,” là “nhà sư”. Tuy nhiên, ông không phải là người tu hành đúng nghĩa. Điều này đã được Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định. Tuy nhiên từ đầu ông đã không tự  nhận mình là sư, là Thầy, mà ông chỉ là người học đạo. Ông nói đang “tập học” theo lời dạy của Đức Phật.

Thực ra, Thích Minh Tuệ cũng không làm điều gì quá dị thường. Ông chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh). Rất nhiều nhà tu hành cũng đang thực hành hạnh đầu đà như vậy – mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…

Thích Minh Tuệ đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Các chuyến “chân trần xuyên Việt” trước đây của ông không gây ra sự ồn ào nào.

Lần này, chính ông cũng nói rằng bản thân không chủ động lôi kéo sự chú ý của dân chúng. Khi có người xin đi theo về Hà Giang, ông đáp: “Nếu thấy an lạc, hạnh phúc thì cứ đi, con không mời cũng không xua đuổi ai cả.”

Con đường tu đạo của Thầy Thích Minh Tuệ là gì?

Trong giáo pháp của Đức Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu. Thích Minh Tuệ chọn cách hạnh đầu đà là quyền lựa chọn riêng của ông, những người khác chọn pháp tu khác cũng là quyền của họ. Không có sự đúng-sai, hơn-kém ở đây.

“Đầu đà” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “dhūta”, có nghĩa là trừ bỏ phiền não trần cấu. Đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh, cho nên cũng được gọi là “hạnh đầu đà”, cốt để tôi luyện thân tâm, bằng cách diệt trừ lòng tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của đời sống hằng ngày là cơm nước, áo quần và chỗ ở. Chư vị Tỳ kheo thường tu tập hạnh đầu đà, cho nên cũng còn được gọi là chư vị “đầu đà”. Trong sinh hoạt hằng ngày, người tu tập hạnh đầu đà phải chấp hành mười hai điều quy định – được gọi là 13 hạnh đầu đà (có nơi ghi 12) như sau:

1. Y phục làm bằng những mảnh vải rách.

2. Chỉ dùng ba y.

3. Khất thực mà ăn.

4. Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa.

5. Không ăn quá no.

6. Không giữ tiền bạc.

7. Sống độc cư.

8. Sống trong nghĩa địa.

9. Sống dưới gốc cây.

10. Sống ngoài trời.

11. Không ở cố định, thường du hành.

12. Ngồi ngủ, không nằm ngủ.

13. Chỉ dùng bình bát. 

Hạnh đầu đà là phương tiện quý báu trợ duyên cho sự thoát ly khỏi tham dục. Tu hạnh đầu đà để thành tựu Giới, tăng trưởng Định, và viên thành Tuệ. Thế Tôn đã xác quyết, “hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời, thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm đều còn ở đời”.

Rõ ràng, trong thời hiện đại hiếm có người tu nào giữ được một, hai hay trọn hết các hạnh đầu đà. Tuy vậy, công hạnh của bậc Thánh Đầu đà đệ nhất nhắc nhở chúng ta về một đời sống giản dị, thanh bần, muốn ít và biết đủ. Làm sao để trong đời sống tu hành không bị vướng mắc nhiều quá vào ăn, mặc, ở hay ngũ dục, ngũ trần nói chung. Vì giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, thong dong với mọi thứ trong đời sống hàng ngày. 

Hiện tượng hùa đám đông, 

Để lôi kéo người dùng mạng vì mục đích bán hàng, muốn được chú ý hay do bị chi phối bởi động cơ nào đó, một số youtuber, tiktoker, facebooker đã làm quá lên về Thích Minh Tuệ, kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ.

Hùa theo đám đông, chạy theo trào lưu, nhiều người đón lõng “sư thầy đi bộ,” rồng rắn đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim… Cảnh tượng lộn xộn đó gây phản cảm và phản tác dụng đối với mong muốn của chính Thích Minh Tuệ.

Cảnh giác cơ hội thế lực thù địch lợi dụng

Không bỏ lỡ cơ hội, những thế lực thù địch đã lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội.

Mục đích đầu tiên mà thế lực thù địch nhắm tới là chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn, tranh chấp để khẳng định rằng tôn giáo và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không thể song hành; đánh tráo khái niệm bằng cách tuyệt đối hóa quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào; bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương “phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo.”

Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, nếu đám đông quây quanh “sư thầy đi bộ” gây lộn xộn và cơ quan chức năng phải can thiệp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thì các thế lực thù địch sẽ rêu rao “Công an cản trở nhà sư hành đạo.”

Mục đích thứ hai của thế lực thù địch là chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong từng tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta.

Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, trên mạng xã hội đã xuất hiện những luận điệu gây mâu thuẫn giữa Phật giáo và Công giáo, bài xích Giáo hội Phật giáo Việt Nam, so sánh thiếu thiện chí giữa “nhà sư đi bộ” với hàng chục nghìn tăng, ni “đang hưởng lạc trong chùa to, cổng kín,” coi khổ hạnh là chánh pháp, là pháp tu duy nhất đúng.

Mục đích thứ ba là cổ xúy, “anh hùng hóa” các hiện tượng mạng xã hội theo hướng đối lập với những giá trị truyền thống.

Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, bên cạnh sự nồng nhiệt thái quá của mạng xã hội thì các thế lực chống phá bên ngoài đang ra sức tô vẽ rằng ông này “gợi nhớ hình ảnh của Đức Phật năm xưa,” rêu rao rằng hiện nay người dân Việt Nam đã bắt đầu thấy cần thiết phải có “Đức Phật” trong trái tim hay trong ngôi nhà của mình.