Giả pháp nào giữ con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đẹp nhất thành phố không bị tái ô nhiễm

0
244

 

Sau hơn 2 tuần tăng cường thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè , lượng rác hơn 100 tấn ở thượng lưu kênh cơ bản được giảm đáng kể.

Rác trên Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xem là dòng kênh đẹp nhất nội đô TPHCM. Thế nhưng, một bộ phận người dân vẫn chưa nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Cụ thể, từ tháng 02/2024, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chưa được tái ký hợp đồng nên cả trăm tấn rác thải dồn ứ trên con kênh này (đoạn qua quận Tân Bình) đã bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước nguy cơ ô nhiễm trở lại

Rác thải phủ kín mặt kênh Nhiêu Lộc

Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè dài hơn 9km, chảy qua 4 quận trên địa bàn TPHCM đang có chiều hướng ô nhiễm trở lại khi phải hứng nhiều tấn rác người dân xả xuống mỗi ngày.

Những ngày đầu tháng 3, đoạn kênh Nhiêu Lộc từ cầu số 2 đến cầu số 1 chảy qua Phường 4, Quận Tân Bình ngập rác và lục bình. Trên dòng kênh, thùng xốp, túi nylon, tấm nệm mút, ly nhựa, xác động vật… dồn đống, nổi lềnh bềnh kín bề mặt kênh. Do nằm dưới nước lâu ngày, số rác thải này đã phân hủy và bốc mùi hôi thối, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị mà cuộc sống của những hộ dân tại đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chị L.T.T (bán nước giải khát gần khu vực) cho biết, lúc trước rác thường được nhân viên đội thu gom điều khiển ghe xử lý hàng ngày, nhưng gần một tháng trở lại đây không thấy thu gom. Rác dồn về cuối dòng kênh, ứ đọng ngày càng nhiều. Mặt nước đen ngòm, nổi váng dầu dày đặc. Đang cao điểm mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên từ kênh vào mỗi buổi trưa rất khó chịu.

Theo quan sát, rác thải nhiều nhất là đoạn cuối kênh chỗ quận Tân Bình. Rác dồn lại gây nên tình trạng hôi thối, muỗi cũng xuất hiện gây khó chịu cho người dân sống xung quanh và người đi đường. Nước kênh tại đây đen ngòm và bốc mùi hôi thối, có cả xác cá chết. Tuy khu vực bờ kênh có nhiều tán cây mát mẻ để trú nắng, nhưng không một ai dám đến đây thư giãn vì không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc.

Lý giải tình trạng này, đại diện đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM) cho biết, do đơn vị phụ trách chưa ký biên bản đấu thầu hợp đồng mới với Trung tâm Quản lý đường thủy TPHCM, nên từ giữa tháng 02/2024 đến nay, rác không được xử lý. Theo đại diện đội này, hợp đồng cũ đã hết hạn từ ngày 31/12/2023, sau đó đội vẫn làm thêm một thời gian trước khi buộc phải ngừng do không có kinh phí. Thông thường, đội phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh. Lượng rác tồn đọng ở kênh đến nay đã hơn 100 tấn.

Đã thu gom hơn 100 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè,

Nỗ lực dọn dẹp rác thải.

Theo ghi nhận của phóng viên , khu vực thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được dọn dẹp khá sạch sẽ. Lượng rác dồn ứ với đủ loại trước đó như: bao ni lông, hộp xốp, lục bình, chai nhựa, xác động vật… giảm đáng kể, mặt kênh được trả về trạng thái lúc trước.

Tuy nhiên vẫn còn lượng rác không nhỏ: thùng xốp, hộp xốp….. vẫn còn trôi rãi rác khắp kênh.

CHỈ ĐẠO KHẨN

Trước sự việc con kênh đẹp nhất thành phố bị tái ô nhiễm, lãnh đạo UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan, phối hợp cùng đơn vị thu gom rác tiếp tục duy trì người, máy móc dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đặc biệt là số lượng rác tồn đọng từ 31/12 đến nay. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục duyệt đơn giá, đấu thầu, để công tác thu gom xử lý rác thải ô nhiễm trên toàn bộ tuyến kênh đi vào hoạt động trở lại.

Ngay sau đó, đơn vị phụ trách vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (thuộc Công ty Môi trường đô thị) đã điều 3 canô cùng các nhân viên đi thu gom rác từ sáng sớm 10/3 và các giờ nước lên (do sợ nước rút gây khó khăn cho việc đi lại), chủ lực là ở đoạn kênh cuối đường Hoàng Sa và Trường Sa. Hai chiếc canô chạy vớt rác toàn tuyến kênh, còn 1 chiếc sẽ vớt rác ở khu vực cầu số 1. Khu vực này cũng là nơi có hàng trăm tấn rác, nhưng mỗi lần chiếc ca nô của đơn vị chỉ chở được khoảng hơn 1 tấn.

Giải pháp DÙNG CAMERA XỬ PHẠT NGƯỜI XẢ RÁC TRÊN KÊNH NHIÊU LỘC THỊ NGHÈ

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối. Những năm 1990, chính quyền TPHCM lên kế hoạch cải tạo nhưng khó khăn về vốn nên chưa thể thực hiện. Đến năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người được di dời để thực hiện dự án trọng điểm.

Cùng với những nỗ lực của chính quyền TPHCM khi phải chi số tiền lớn để cải tạo kênh rạch, người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không nên vứt rác bừa bãi. Theo thống kê của Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc, mỗi ngày phải vớt hơn 10 tấn rác để ngăn ô nhiễm dòng kênh, thậm chí ngày cao điểm lên tới 13 – 14 tấn. Vậy lượng rác này từ đâu ra, trong khi hằng ngày các tổ hợp vẫn thu gom rác tại nhà dân?

Một công nhân trong đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bức xúc: “Ý thức của không ít người dân rất kém, cứ tiện tay là vứt rác xuống kênh. Họ không nghĩ tới người khác phải vớt rác vất vả, nặng nhọc như thế nào. Ngày nào cũng vớt nhưng rác lúc nào cũng rất nhiều, có hôm anh em phải làm đến 21 – 22 giờ đêm mới xong. Rác thải xuống kênh đủ thứ loại, từ vỏ hộp cơm, bao nylon, thùng xốp cho đến rác cồng kềnh như bàn ghế, chăn chiếu…”.

Thiết nghĩ, TPHCM cần đầu tư hệ thống camera có thể truy xuất được và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi. Thay vì phạt tiền, thì camera ghi lại hình ảnh những người xả rác ra kênh, bắt họ đi dọn dẹp cho đến chừng nào sạch. Thông thường, trên bờ kênh rạch có thùng rác. Vì thế, chính quyền gắn camera kiểm soát để phạt người vứt rác bừa bãi. Đồng thời, thưởng cho những đội xử lý bắt được ai vứt rác bừa bãi. Chỉ có vậy mới giảm bớt được tình trạng những người dân vô ý thức xả rác ra kênh rạch.