Lông đuôi voi mang lại sự may mắn cho người đeo. Mang tài lộc, hợp phong thuỷ thì tiền tài đến.
Hồi đầu năm, mình cùng mấy đứa em về buôn thăm một bác mà chúng mình có dịp làm việc suốt mấy năm qua (liên quan đến bảo tồn voi). Nếu đã tiếp xúc với người ở buôn. Nhất là các huyện nhỏ thì cũng chẳng lạ việc mọi người mang hết đồ ăn ngon trong nhà ra đón tiếp. Vì sợ phiền hà nên khi đến mình đã không báo trước.
Chúng mình gửi bác ít bánh ăn Tết. Vừa nhận, bác đã quay sang con rể bảo vào trong lấy lông đuôi voi tặng anh chị. Xuống không báo trước nên bác không có gì ngon sẵn có trong nhà. Phải là người mến lắm thì bác mới tặng thức quà “quý” như thế. Nhưng tất nhiên là chúng mình không dám nhận. Vì thực ra việc này không đơn giản chỉ là một món quà.
Ở Tây Nguyên, khi đến các khu du lịch, nhìn vào các tủ kính trưng bày quà lưu niệm thì dễ dàng tìm thấy các món trang sức (như nhẫn, vòng tay) làm từ lông đuôi voi. Nghe mọi người truyền miệng nhau LÔNG ĐUÔI VOI MANG LẠI SỰ MAY MẮN CHO NGƯỜI ĐEO. MANG TÀI LỘC, HỢP PHONG THỦY THÌ TIỀN TÀI ĐẾN. Từ đó, những món trang sức này trở thành mặt hàng hút khách ở Tây Nguyên.
Lông đuôi voi cứng nhưng có độ dẻo. Ứng dụng cho việc chế tác trang sức khá lạ mắt nên khiến nhiều người có tính tò mò mong muốn được sở hữu. Tuy nhiên, mình không tìm được tư liệu, hay truyền thuyết nào gắn liền với quan niệm trên.
Theo tìm hiểu, lông đuôi voi thường tự rụng. Khi rụng nhiều quá thì người ta nghĩ ra ý tưởng chế tác trang sức để bán. Không thể khước từ sự sáng tạo hay ho này của người địa phương vì đã biết tận dụng thứ sẵn có để tăng thu nhập. Một chiếc nhẫn được làm từ lông đuôi voi có giá trung bình khoảng 300 ngàn hoặc lên đến vài triệu đồng.
Nhưng mọi thứ có vẻ đã vượt khỏi tầm kiểm soát…
Cách đây chục năm, có dạo mình theo mấy anh em vào buôn ở, đi kiếm ăn trên sông, trong rừng. Thử cuộc sống không dùng đến tiền và internet nó ra làm sao. Tối đang ngồi nhấm nháp thì có cậu thanh niên hớt hải chạy vào báo tin “Voi nhà bị bọn nào chặt đuôi rồi!”. Đó là lần đầu tiên trong đời mình nghe trực tiếp một việc tàn ác như vậy.
Mấy anh nói thêm. Voi thường được dẫn lên rừng cột lại bằng một sợi dây rất dài để chúng tự kiếm ăn. Ngày hôm sau, người chủ mới đến dẫn voi về. Nhưng việc này phải làm trong bí mật vì nếu để bọn săn voi biết được nơi cột voi thì voi sẽ gặp nguy hiểm.
Tác nhân dẫn đến việc săn đuôi voi là vì nhu cầu sử dụng lông đuôi voi tăng lên. Tỉ lệ cung không đáp ứng đủ dẫn đến việc săn bắt, cướp, giết động vật để đáp ứng sự khan hiếm. Chặt đuôi voi có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Chưa kể đến các vấn đề về tâm lý của chúng.
Theo báo cáo của Animal Asia (Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á). Tính từ những năm 1980 cho đến năm 2021. Số lượng voi đã giảm mạnh từ 502 bé xuống còn 37 bé voi. Tất nhiên, nguyên nhân khiến số lượng voi suy giảm không chỉ ở việc săn lông đuôi voi. Nhưng cũng không thể chối bỏ tính nguy hại từ hành động này.
Sở hữu một món đồ làm từ lông đuôi voi có thể (trùng hợp) mang lại sự MAY MẮN cho bạn. Nhưng mình dám chắc chúng không mang đến sự MAY MẮN nào cho đàn voi nhỏ bé của chúng ta.
Ảnh từ Tổ chức Động vật Châu Á.
Bé Jun, Gold, bạn Bun Khăm và Thông Khăm.