Cò vé bát nháo ở Ga Sài Gòn – Kỳ 2: Đưa khách lên tàu bằng vé ảo

0
773

Một nhóm cò vé ở khu vực Ga Sài Gòn móc nối với nhân viên trên tàu, cung cấp vé ảo cho khách đi tàu qua cửa soát vé để lên tàu.

Theo kỳ báo trước, phóng viên phản ánh các nhóm cò vé móc nối với các nhân viên ngành đường sắt bán “vé lụi” cho khách đi tàu tại Ga Sài Gòn.

Theo quy định của nhà Ga, khách muốn lên tàu phải có vé nhưng các cò vé và các nhân viên đường sắt dùng nhiều chiêu như vé ảo, nhân viên trên tàu trực tiếp dẫn khách lên tàu theo đặt hàng của cò vé.

Dùng vé của khách khác lên tàu

Chúng tôi qua cổng soát vé để lên tàu bằng vé của người khác (ảnh nhỏ) mà cò Hiệp chuyển vào ngày 29-4.

Lúc 18 giờ 30 ngày 26-4, còn 30 phút nữa tàu SE sẽ lăn bánh. Lúc này, cò Châu gọi phóng viên ra một góc vắng người rồi cho số điện thoại của người sẽ dẫn phóng viên lên tàu.

Cò Châu nói: “Em vô toa số 10, điện cho anh nhân viên tên Tuấn qua số 0889754…, nói mua vé chỗ chị Châu”. Sau đó, cò Châu đưa lại cho chúng tôi 50.000 đồng (trước đó, phóng viên đưa cho cò Châu 200.000 đồng tiền đặt cọc để đi Đà Nẵng). “Lên tàu gặp anh Tuấn, đưa thêm cho ảnh 650.000 đồng là đủ” – cò Châu nói.

Để qua cổng soát vé, cò Châu gửi qua điện thoại cho chúng tôi hình ảnh một vé lên tàu có thông tin tên người đi tàu là Hoàng Quốc Ngọc Q, hành trình Sài Gòn – Biên Hòa, nằm khoang 4 điều hòa toa số 8, ghế 26 và dặn đưa cho nhân viên soát vé là được vào cổng.

Vài phút sau, phóng viên đến cổng soát vé rồi đưa hình ảnh mà cò Châu gửi cho nhân viên xem. Nhân viên soát vé nhìn hình ảnh rồi chỉ tay hướng dẫn chúng tôi lên tàu.

Gọi điện thoại vào số mà cò Châu cung cấp, chúng tôi được hướng dẫn: “Vào toa số 10 đi, anh đón”.

Tương tự, sáng 29-4, phóng viên đi “vé lụi” mà cò Hiệp cung cấp. Lúc này đã sát giờ tàu chạy. Cò Hiệp đưa cho phóng viên hình ảnh hai vé ảo dùng để qua cổng soát vé. Thực tế hai vé này là của người khác, lộ trình khác nhưng cùng chuyến tàu, được các cò vé sử dụng để khách qua mặt nhân viên soát vé. Hai vé này có lộ trình Sài Gòn – Nha Trang, số giường 13, 14, toa 3A.

Đến cổng soát vé, phóng viên đưa hai vé cho nhân viên và được cho qua cổng.

Trực tiếp gặp mặt nhân viên đường sắt bán “vé lụi”

Theo hướng dẫn qua điện thoại của cò Châu và nhân viên đường sắt, phóng viên lên toa số 10, tìm gặp nhân viên tên Tuấn. Tại đây, nhân viên tên Tuấn đón và đưa phóng viên vào một góc hành lang bên cạnh nhà vệ sinh. Sau đó, người này đưa cho phóng viên một ghế xếp và yêu cầu ngồi đợi để xếp chỗ.

Nhân viên tên Tuấn tranh thủ bán vé giường nằm cho phóng viên, ông nói: “Tàu giờ này hết vé rồi, em đi ghế ngồi thì anh sắp xếp ghế ngồi. Lát nữa anh hỏi thăm ông trưởng tàu hay mấy ông thợ máy, ông nào có dư giường thì anh để lại cho. Lấy thêm 300.000 đồng nằm cho thoải mái, em cân nhắc”.

Khi chúng tôi từ chối giường nằm, ông Tuấn yêu cầu phóng viên ngồi đợi và nói sẽ lấy số tiền 650.000 đồng sau. Sau đó, phóng viên rời khỏi tàu mà không đi tiếp.

Sáng 29-4, từ móc nối của cò Hiệp, phóng viên lên tàu, gặp một nữ nhân viên đứng đợi sẵn ở cửa lên của toa số 3. Vừa gặp phóng viên nữ nhân viên liền hỏi: “Đi Đà Nẵng hả?”. Sau khi xác nhận, nữ nhân viên yêu cầu phóng viên vào trong, lên giường số 25, 26 nằm.

Nhân viên đường sắt trực tiếp ra mặt, dẫn khách đi “vé lụi” lên tàu.

Nhân viên đưa tiền cho ông Hai (cò vé) vào sáng 27-4 rồi dẫn phóng viên lên tàu.

Vào lúc 6 giờ 11 phút ngày 27-4, một người đàn ông có vé tại Ga Sài Gòn đưa phóng viên đi gặp một cò vé khác tên Hai. Ông Hai sau khi hỏi lộ trình thì yêu cầu phóng viên ngồi đợi để ông dàn xếp.

Khoảng 15 phút sau, nhân viên đường sắt tên Đức từ bên trong sân ga ra tiếp cận ông Hai rồi đưa cho ông này 100.000 đồng. Sau đó, ông Đức dẫn phóng viên qua cổng soát vé rồi đi thẳng về phía tàu có lộ trình TP.HCM – Phan Thiết. Lúc này, ông Đức hỏi thời gian chúng tôi quay lại TP rồi dặn: “Lát lấy số điện thoại, khi nào về alô đi tàu”.

Cho ngồi ghế nhựa sát nhà vệ sinh

Vị trí ngồi được bố trí sau khi mua “vé lụi” ở ga Sài Gòn

Anh NQC (quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) do trễ tàu, không mua được vé trong khi cò vé hét giá cao nên anh gọi điện thoại cho một nhân viên đường sắt quen từ trước để mua “vé lụi”. Sau đó, nhân viên trên tàu chốt giá là 600.000 đồng, ghế ngồi điều hòa cho chuyến tàu từ TP.HCM về Quảng Ngãi.

Đến 19 giờ 30 ngày 26-4, anh C qua được cổng soát vé và khi lên tàu, anh được nhân viên trên tàu đưa cho một ghế đẩu để ngồi ở góc lối đi cạnh nhà vệ sinh trong suốt hành trình về quê. “Mua vé thì hết vé, em gọi điện thoại hỏi mua vé của nhân viên trên tàu thì họ hứa cho ngồi ghế với giá 600.000 đồng nhưng cuối cùng họ cho em ngồi ghế đẩu. Gần đến nơi thì em được chuyển sang một chiếc giường xếp xập xệ với vài hành khách khác” – anh C kể lại.

Tương tự, chị Trần Thị MM (quê Khánh Hòa) cũng cho biết khi thỏa thuận, cò vé hứa là có ghế ngồi trong toa, sau đó sẽ chuyển vào giường nằm. “Ghế ngồi cũng không thấy đâu chứ đừng nói chuyện được nằm” – chị M than.

Do không mua vé, mọi giao dịch là trao đổi miệng nên khách đi “vé lụi” đều chấp nhận cảnh ngồi sát cửa nhà vệ sinh trên tàu, đoạn nối giữa hai toa xe.

Sau đó, ông Đức dẫn chúng tôi đến toa số 3 và nói với một nữ nhân viên kiểm tra vé đứng ở cửa lên tàu: “Cho người này lên” và chúng tôi dễ dàng lên tàu dù chẳng có vé trong tay.

Lên tàu, chúng tôi được ông Đức cho đứng chờ ở ngay đoạn nối giữa hai toa tàu rồi mang đến một ghế xếp nói chúng tôi ngồi chờ, khi tàu chạy sẽ có ghế ngồi ở bên trong.

Tuy nhiên, trước khi tàu lăn bánh, chúng tôi xuống ga Sài Gòn mà không tiếp tục hành trình…

Ngành đường sắt kiên quyết với tệ “bao khách, bao hàng”

Ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên Đường sắt Sài Gòn.

Công an đã mời nhóm cò vé tại Ga Sài Gòn và một số nhân viên đường sắt liên quan tới phản ánh đến làm việc.

Liên quan đến phóng sự “Cò vé bát nháo ở Ga Sài Gòn”, ngày 13-6, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn, cho hay đã nắm bắt thông tin về hiện tượng tiêu cực, bắt tay giữa cò vé ở Ga Sài Gòn với một số nhân viên trên các toa tàu để đi “vé lụi”.

Ông Bảy cảm ơn thông tin mà các nhà báo phản ánh để đơn vị chấn chỉnh, xử lý và khẳng định đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”. “Một số cá nhân vì lòng tham đã làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp mà ngành đường sắt đang ra sức xây dựng” – ông Bảy nói.p5_Mau_co-ve-ga-sai-gon.jpg

Theo ông Bảy, ngành đường sắt đã và đang tập trung cải thiện chất lượng phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, thoải mái nhất cho hành khách trên mỗi chuyến tàu. Trong đó có việc chống “bao khách, bao hàng” và ngành đường sắt quán triệt chủ trương này đến từng cán bộ, nhân viên.

Ngành đường sắt cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra định kỳ, bất thường trên các chuyến tàu để chống việc “bao khách, bao hàng”, đặc biệt trong các đợt lễ, Tết, dịp hè nhưng vẫn không kiểm tra hết, vẫn lọt một số cá nhân vi phạm. Ông Bảy cũng cho hay sắp tới đơn vị sẽ thực hiện nghiêm kiểm tra việc “bao khách, bao hàng”, kể cả việc dừng tàu để kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Trước mắt đơn vị sẽ rà soát, xử lý các cá nhân mà báo phản ánh theo hướng không bao che.

Chính quyền tiền hành từng bước xử lý cò vé

Ông Bảy cho hay sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an phường 9 (quận 3) xử lý các cò vé và sẽ thông tin đến báo kết quả xử lý. “Trong năm 2023, đơn vị đã xử lý ba trường hợp có hiện tượng “bao khách”” – ông Bảy nói.

+ Trưa 13-6, Công an quận 3 (TP.HCM) cho biết đã mời làm việc đối với một số người trong nhóm cò vé tại Ga Sài Gòn và các nhân viên đường sắt phục vụ trên tàu để làm rõ nội dung nhà báo phản ánh.

Cùng ngày, ngay sau khi tin nhà báo đăng phóng sự “Cò vé bát nháo ở Ga Sài Gòn” phản ánh tình trạng cò vé hoạt động công khai, phức tạp tại Ga Sài Gòn, lãnh đạo UBND quận 3 cho biết đã nắm bắt được thông tin phản ánh và có chỉ đạo xử lý.

Với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, lãnh đạo đơn vị này cho biết đang chỉ đạo các phòng, ban có liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ các nhân viên có hành vi tiêu cực trong loạt bài. Vị này cho biết căn cứ trên hình ảnh, thông tin báo cung cấp sẽ làm cơ sở xử lý vi phạm.

Công an phường 9 (quận 3) cũng vào cuộc xác minh nội dung nhà báo phản ánh về nhóm cò vé tại Ga Sài Gòn.

ĐIỀU TRA: Cò vé bát nháo ở Ga Sài Gòn - Bài 1: Nhà ga hết vé nhưng có tiền là được lên tàu